Phê duyệt Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn 2030

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Theo đó, mục tiêu tổng quát là phát triển mỹ thuật theo định hướng ưu tiên đầu tư bồi dưỡng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ cho sự tìm tòi, sáng tạo của các họa sỹ, nhà điêu khắc để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về mỹ thuật, hình thành lực lượng công chúng mỹ thuật ngày càng đông đảo; đưa mỹ thuật Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và từng bước theo kịp các nước phát triển.

Các mục tiêu cụ thể gồm: đào tạo, phát triển nhân lực mỹ thuật có năng lực sáng tạo đảm bảo cân đối về các chuyên ngành theo nhu cầu của xã hội; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển mỹ thuật, trong đó có nghiên cứu và xây dựng Luật Mỹ thuật, rà soát Quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng tại địa phương, phát triển thị trường mỹ thuật trong nước; phát triển ngành nghề mỹ thuật ứng dụng, khuyến khích việc sáng tạo ra các mẫu mã và sản phẩm mỹ thuật ứng dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; xây dựng mới hoặc nâng cấo nhà triển lãm ở các tỉnh, thành phố; xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật đương đại tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật tại Đà Nẵng, đến năm 2030 các thành phố trực thuộc Trung ương có Bảo tàng Mỹ thuật; đầu tư, hỗ trợ, huy động nguồn lực của toàn xã hội thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống của dân tộc, ngăn chặn nguy cơ xuống cấp, mai một các tác phẩm mỹ thuật cổ, các làng nghề truyền thống.

Để thực hiện được các mục tiêu đó cần có những giải pháp trên nhiều lĩnh vực: phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến tác phẩm; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ sáng tạo và đẩy mạnh xã hội hóa; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ; hợp tác phát triển.

Về tổ chức thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì với các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện quy hoach; kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện quy hoạch; định kỳ 3 năm 1 lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ; kịp thời kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung khi cần thiết; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật, đảm bảo thực hiện quy hoạch. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp đối với kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo để thực hiện quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL ban hành tiêu chuẩn, định mức đất dành cho xây dựng công trình mỹ thuật; hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó dành quỹ đất xây dựng công trình mỹ thuật. Bộ Xây dựng có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về không gian, cảnh quan kiến trúc đảm bảo yêu cầu mỹ quan. Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ, chức năng liên quan tới quản lý thông tin, tuyên truyền mỹ thuật. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, các địa phương phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Các Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – thương binh và xã hội thực hiện các nhiệm vụ, chức năng liên quan tới tăng cường cơ sở đào tạo, phát triển nguồn nhân lực mỹ thuật, chính sách ưu đãi và thu hút nhân tài cho mỹ thuật.

Hội Mỹ thuật Việt Nam, các doanh nghiệp mỹ thuật và các tổ chức xã hội khác theo phạm vi, chức năng hoạt động căn cứ mục tiêu, quan điểm và định hướng trong Quy hoạch để cụ thể hóa thành chương trình hành động của đơn vị.